A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG SỐNG, TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC VÀ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA CỦA CON NGƯỜI THÀNH SEN CHO HỌC SINH QUA MÔN NGỮ VĂN

Trong chương trình giáo dục phổ thông, bộ môn Ngữ văn có vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục con người, bồi đắp tư tưởng, tình cảm, nhân cách và quan niệm thẩm mỹ cho người học. Đặc biệt chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhấn mạnh mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, bộ môn Ngữ văn càng khẳng định vị trí, trách nhiệm của mình trong vấn đề giáo dục con người toàn diện. Thông qua bộ môn Ngữ văn, giáo viên các trường học trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh cần chú trọng mục tiêu giáo dục lý tưởng sống, tình yêu quê hương đất nước và truyền thống văn hóa của con người Thành Sen cho các em học sinh.

GIÁO DỤC LÝ TƯỞNG SỐNG, TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC VÀ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA CỦA CON NGƯỜI THÀNH SEN CHO HỌC SINH QUA MÔN NGỮ VĂN

                                                        Hồ Minh Thông

                                                    Phòng Giáo dục-Đào tạo thành phố Hà Tĩnh

 

Một tiết dạy Ngữ văn tại trường THCS Lê Văn Thiêm – TP Hà Tĩnh

                                                     

Trong chương trình giáo dục phổ thông, bộ môn Ngữ văn có vai trò quan trọng trong quá trình giáo dục con người, bồi đắp tư tưởng, tình cảm, nhân cách và quan niệm thẩm mỹ cho người học. Đặc biệt chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhấn mạnh mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, bộ môn Ngữ văn càng khẳng định vị trí, trách nhiệm của mình trong vấn đề giáo dục con người toàn diện. Bộ Giáo dục-Đào tạo đã xác định rõ mục tiêu chung của môn học Ngữ văn khi xây dựng chương trình Giáo dục phổ thông 2018: “Hình thành và phát triển cho học viên những phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm; bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách và phát triển cá tính. Môn Ngữ văn giúp học viên khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, có đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; có tình yêu đối với tiếng Việt và văn học; có ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam; có tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại và khả năng hội nhập quốc tế”.

Bối cảnh đời sống hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu cho xã hội trong việc quan tâm đến đời sống tinh thần, lý tưởng, quan niệm sống đối với giới trẻ. Trước sự xâm nhập mạnh mẽ của nhiều nền văn hóa ngoại lai, không gian internet với các nền tảng mạng xã hội lên ngôi, chiếm ưu thế trong việc cập nhật thông tin và mang đến đời sống giải trí cho con người đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Giới trẻ, đặc biệt là học sinh phổ thông rất nhạy bén, năng động, linh hoạt, sáng tạo trong việc tiếp nhận thông tin, cập nhật cái mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một bộ phận người trẻ chưa đủ bản lĩnh, trải nghiệm, kinh nghiệm sàng lọc thông tin còn hạn chế nên sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các luồng tư tưởng. Chính vì vậy, vai trò của gia đình, nhà trường, thầy cô hết sức quan trọng trong việc giáo dục lý tưởng sống và bồi đắp tình yêu quê hương đất nước cho học sinh, coi đó là nhiệm vụ then chốt trong việc đào tạo con người. Giáo dục được lý tưởng sống, bồi đắp được tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc chính là trao cho học sinh cội nguồn sức mạnh để từ đó định hướng cho mọi suy nghĩ, hành động, sáng tạo của con người.

Chương trình Ngữ văn 2018 tập trung chú trọng mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Từ việc lựa chọn hệ thống ngữ liệu trong sách giáo khoa đến việc sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại, phù hợp với mục tiêu giáo dục, môn Ngữ văn xác định rõ yêu cầu giáo dục, đào tạo con người nhưng phải gần gũi, thực tế, làm sao để học sinh tiếp nhận những vấn đề mang tính tư tưởng một cách nhẹ nhàng, thấm và ngấm, tránh áp đặt, đao to búa lớn sẽ khiến vấn đề trở nên xa lạ, khó tiếp cận đối với người trẻ. Giáo viên cần linh hoạt lồng ghép, tích hợp việc giáo dục lý tưởng sống, tình yêu quê hương đất nước cho học sinh trong các bài học Ngữ văn. Ví dụ khi giảng dạy các tác phẩm văn học cách mạng, giáo viên cần liên hệ, mở rộng, bồi đắp mạnh mẽ cho tâm hồn học sinh niềm tự hào, lòng tri ân đối với sự hy sinh của các thế hệ cha anh. Giáo viên có thể lựa chọn liên hệ kể thêm các câu chuyện thực tế, gần gũi để học sinh dễ hình dung, tác động mạnh mẽ đến cảm xúc, tình cảm của các em, tạo nên những rung động mang tính nhân văn đẹp đẽ. Hoặc khi xây dựng ma trận đề kiểm tra, đánh giá chất lượng học sinh, giáo viên Ngữ văn cần chú trọng lựa chọn các ngữ liệu phong phú, mới, gần gũi, đảm bảo giá trị nghệ thuật nhưng phải mang tính giáo dục cao, đặc biệt có đề kiểm tra lựa chọn được các ngữ liệu về quê hương Hà Tĩnh, quê hương Thành Sen càng tốt.

Trong tiến trình lịch sử hào hùng của dân tộc qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong đó có sự đóng góp của mảnh đất và con người Hà Tĩnh nói chung, Thành Sen nói riêng, chúng ta thêm tự hào về những giá trị tinh thần và đặc điểm nhân cách con người Việt Nam. Các thế hệ dân tộc Việt Nam, trong đó có con người Hà Tĩnh đã gìn giữ, phát huy những nét đẹp truyền thống của chủ nghĩa yêu nước, anh hùng cách mạng và chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Hà Tĩnh đang cùng với cả nước bước vào quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, bối cảnh đó sẽ có tác động không nhỏ tới các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc ở nhiều khía cạnh.Thế hệ trẻ Hà Tĩnh cùng với cả nước cần nhận thức sâu sắc giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và của quê hương Hà Tĩnh văn hiến; từ đó tự trau dồi bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức, nhân cách xứng đáng với truyền thống hào hùng của cha ông; đóng góp tài năng và trí lực để cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng trở nên giàu đẹp, văn minh. Các bộ môn khoa học xã hội trong nhà trường nói chung và bộ môn Ngữ văn nói riêng có sứ mệnh giáo dục, chuyển tải đến học sinh những tư tưởng cao đẹp, đúng đắn, có vai trò định hướng lý tưởng sống, bồi đắp trong tâm hồn học sinh những tình cảm nhân văn đối với gia đình, quê hương, nguồn cội.

Tổ chức lễ kết nạp Đoàn viên tại Văn Miếu – TP Hà Tĩnh

                        

Đối với các trường học trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, trong bối cảnh hiện nay, các tổ bộ môn có thể tập trung trí tuệ tập thể để xây dựng, biên soạn tài liệu giáo dục về đặc điểm lịch sử, địa lý, đặc trưng văn hóa của mảnh đất và con người Thành Sen, lồng ghép vào chương trình giáo dục địa phương của cả tỉnh, từ đó có định hướng cho giáo viên trong việc giáo dục học sinh về truyền thống của con người và quê hương. Có thể khẳng định, trong dòng chảy văn hóa của dân tộc, truyền thống văn hóa của con người Thành Sen là một nét đẹp đặc trưng, đáng tự hào. Đất Thành Sen hiền hòa, mến khách, giàu sức sống, nhiều tiềm năng. Người Thành Sen có truyền thống thượng võ, yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng quê hương, đất nước. Từ xưa đến nay, con người quê hương ta có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng nhân tài, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, vượt khó vươn lên, truyền thống đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, sống có nghĩa tình, thủy chung, có trách nhiệm... Giáo viên bộ môn Ngữ văn, qua nội dung chương trình giảng dạy, qua việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, dạy học theo dự án, các tiết học tìm về di sản...cần lên kế hoạch cụ thể, lồng ghép các nội dung giáo dục học sinh về truyền thống của mảnh đất và con người Thành Sen, từ đó bồi đắp cho thế hệ trẻ niềm tự hào, tình yêu quê hương sâu sắc và xác định rõ trách nhiệm của bản thân trong việc xây dựng quê hương đất nước, giữ gìn và phát huy vẻ đẹp, bản sắc văn hóa của Thành Sen.

                                                                                                                                                          H.M.T.

 


Tác giả: Hồ Minh Thông
Tổng số điểm của bài viết là: 27 trong 7 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan